Lễ hội chùa Yên Tử còn kéo dài tới hết tháng 3 Âm lịch và du khách hoàn toàn có thể khám phá phong cảnh, di tích lịch sử cũng như vãn cảnh chùa ở đây trong một ngày.
Núi Yên Tử cao 1.068 m so với mực nước biển trong dãy núi Đông Triều, vùng đông bắc Việt Nam, nằm ở ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) là khoảng 6.000 m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng nghìn bậc đá, đường rừng núi… Tuy hai tuyến cáp treo đã đi vào sử dụng, phục vụ du khách tham quan và đi lễ chùa, nhiều người vẫn muốn thử thách mình bằng hành trình leo bộ.
Lễ hội chùa Yên Tử
Ở Yên Tử có lễ hội Xuân, thường được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 Âm lịch.
Thời gian du lịch
Thời gian hợp lý là một ngày một đêm. Đi vào dịp lễ hội sẽ đông (nhất là những ngày tháng 1), còn những ngày khác Yên Tử vắng vẻ, yên tĩnh, không khí trong lành rất sảng khoái.
Đường đi
Bạn có thể đi du lịch Yên Tử bằng xe máy, ô tô (riêng) và cả xe buýt. Với các bạn từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh đi Yên Tử bằng xe máy thuận tiện nhất.
Từ hướng Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định bạn chỉ cần đi tới Uông Bí (đoạn ngã ba giao quốc lộ 10 và quốc lộ 8 rồi rẽ trái là tới đền Trình, sau đó rẽ trái 10 km sẽ tới Yên Tử).
Từ hướng Hà Nội bạn đi Bắc Ninh tới quốc lộ 18, chạy thẳng sẽ tới đền Trình. Từ đây rẽ trái 10 km sẽ tới Yên Tử.
Du khách đi từ Hà Nội thường thuê theo đoàn, mua tour du lịch Yên Tử một ngày hoặc đi xe khách. Bạn bắt xe khách đi Cẩm Phả, Móng Cái… ở Hà Nội đều được, tới đền Trình ở quốc lộ 18 bảo lái xe cho xuống. Sau đó bắt tiếp xe bus 16 chỗ của công ty Tùng Lâm ở ngay quốc lộ 18 vào đến chân núi Yên Tử (10 km) giá vé 20.000 đồng/ người. Hoặc bạn đi buýt thường giá vé 10.000 đồng/ người/ lượt.
Vật dụng cần mang
Tiền: Bạn mang theo số tiền đủ dùng, tránh bị kẻ gian móc túi những ngày đông.
Giày: Bạn không nên đi giày công sở, hãy đi giày thể thao (có thể là bata) hoặc giày leo núi thì càng tốt. Đường leo bậc thang đá, có đoạn leo đường mòn và du khách có thể gửi giày, thuê dép ở chân núi.
Ba lô: Vì chỉ đi trong ngày nên bạn mang theo một ba lô nhỏ, gọn ghẽ để đựng ít đồ ăn, nước uống.
Quần áo: Khi đi chỉ cần bạn mặc trang phục gọn nhẹ, đủ ấm, nên mang áo khoác nhẹ để khi leo có thể buộc áo quanh người hoặc cho vào ba lô.
Nước: Bạn nên mua trước 2 chai 500 ml hoặc một chai 1,5 lít mang theo uống dọc đường, vì nước trên núi bán đắt gấp nhiều lần.
Đồ ăn: Một số loại đồ ăn bạn có thể mang để ăn trưa như bánh mì sữa, bánh mì giò, xôi… Ngoài ra, bạn có thể ăn trưa trên núi với xúc xích, ngô, khoai, phở… tuy nhiên giá cao hơn bình thường.
Gậy: Nếu bạn đi bộ nên mua một chiếc gậy tre dưới chân núi giá 5.000 đồng. Có cây gậy này bạn leo đỡ mất sức, đặc biệt khi xuống sẽ không bị đau khớp gối.
Xem thêm: Tour Du lich da lat dip le 30/4
Điểm tham quan ở Yên Tử
Chùa Trình/ đền Trình: nơi ghé vào trước khi lên Yên Tử
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử: nơi để tu học của các nhà sư và cư sĩ. Giống như trường đại học, đây không phải nơi thờ phụng nhưng bạn có thể ghé vào tham quan trước khi leo núi.
Cầu Giải Oan, chùa Giải Oan: nơi thờ các cung nữ, phi tần của vua Trần Nhân Tông. Vì quá yêu vua, muốn lên núi cầu xin vua trở lại triều đình không được, các bà đằm mình xuống suối tự tận.
Tháp Huệ Quang: nơi cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông, phần còn lại được thờ ở khu đền Trần tại Nam Định.
Chùa Hoa Yên: chùa trung tâm, lớn nhất khu di tích Yên Tử. Khi xưa chùa Hoa Yên là nơi Phật Hoàng giảng đạo.
Chùa Một Mái: nơi thờ Phật Quán Thế Âm, ở đây có khe nước uống rất mát.
Chùa Bảo Sái: nơi Phật Hoàng nhập niết bàn
Chùa Vân Tiêu: nơi tu luyện của các vị tăng sỹ
An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông: bức tượng của một vị tu sĩ hóa đá và bức tượng Phật Hoàng bằng đồng rất lớn.
Chùa Đồng: ngôi chùa cao nhất đỉnh núi
Lịch trình tham quan: Thiền viện – cầu Giải Oan – chùa Giải Oan – chùa Hoa Yên – chùa Một Mái – chùa Bảo Sái – An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng – chùa Đồng – An Kỳ Sinh – chùa Bảo Sái (xuống cáp treo) – chùa Hoa Yên – chùa Giải Oan – xuống lại bãi gửi xe.
Giá vé các dịch vụ ở Yên Tử
Giá vé buýt 16 chỗ từ đền Trình vào Yên Tử: 20.000 đồng/ lượt
Giá vé xe điện từ bãi đỗ xe vào chân núi: 10.000 đồng/ lượt
Phòng ngủ riêng: từ 150.000 đến 500.000 đồng/ phòng.
Phòng ngủ cộng đồng: từ 100.000 đến 180.000 đồng/ giường
Dịch vụ nhà hàng: từ 40.000 đến 80.000 đồng/ suất ăn (có cả ăn chay và ăn thường).
Giá vé cáp treo Yên Tử
Nếu đi cáp treo bạn nên mua trọn 2 tuyến, đi cáp treo chỉ lên đến tượng An Kỳ Sinh vẫn phải leo bộ một đoạn khoảng 200 m đường mòn. Cách mà nhiều người đi nhất là leo bộ lên chùa Đồng rồi mua cáp treo 1 chiều xuống, không nên mua cáp treo giữa đường vì giá đắt.
Tuyến 1 (Giải Oan – Hoa Yên): Một chiều 120.000 đồng/ người – Khứ hồi 200.000 đồng/ người
Tuyến 2 (Một Mái – An Kỳ Sinh): Một chiều 120.000 đồng/ người – Khứ hồi 200.000 đồng/ người
Cả 2 tuyến: Một chiều 120.000 đồng/ tuyến/ người – Khứ hồi: 280.000/ người
Lưu ý: Miễn phí vé cho trẻ mỏ dưới 6 tuổi (cao dưới 1m2), người già trên 70 tuổi (mang theo giấy tờ tùy thân), tăng ni, thương binh (xuất trình thẻ).
Thời gian phục vụ cáp treo:
Mùa lễ hội (từ tháng1 đến tháng 3 Âm lịch): từ 5h đến 20h hàng ngày.
Ngoài mùa lễ hội (từ tháng 4 đến tháng 12 Âm lịch): Từ 7h đến 18h hàng ngày.
http://dulichtuoitreviet.com/den-du-lich-yen-tu-mot-ngay-583.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét